Kỹ thuật Đánh_khăng

Kỹ thuật đánh

Kỹ thuật khấc
  • Khấc: là kỹ thuật một tay cầm cái, tay kia đặt con tiếp xúc với cái sau đó buông tay giữ con ra đồng thời dùng cái hất con lên rồi đánh nhẹ cho con nảy trên không với mục đích càng được nhiều lần càng tốt cho đến khi con bị rơi xuống đất. Mỗi lần cái chạm vào con tính là một lần khấc. Trong kỹ thuật khấc có thể dùng cái đánh vào điểm bất kỳ của con hay yêu cầu cao hơn là chỉ đánh vào đầu mút của nó (nếu đánh theo yêu cầu này thì khi chuẩn bị phải để con theo chiều thẳng đứng, một đầu tiếp xúc với cái).
  • Cầy hay còn gọi là dích (ở miền Trung): là kỹ thuật để con nằm ngang trên lò rồi dùng cái đặt xuống dưới con để hất con bay đi.
  • Mắm hay phạt: là kỹ thuật cầm cả cái lẫn con bằng một tay sau đó tung con lên rồi dùng cái đánh con bay đi.
  • Gà: là kỹ thuật khó nhất của đánh khăng, con được đặt nằm dọc theo lò, một đầu (thường là đầu hướng về phía cuối sân), ghếch lên thành lò; người chơi dùng cái gõ vào đầu ghếch lên sao cho con nảy lên; trong khi con chưa chạm đất, dùng cái đánh con bay đi. Nếu dùng gạch, đá... làm lò thì kê con ghếch một đầu lên miếng gạch để thực hiện kỹ thuật này.

Kỹ thuật cản phá

Khi người đánh thực hiện cú đánh cho con bay đi, những người cản phá sẽ thực hiện kỹ thuật bắt con trong khi con còn đang ở trên không (con chưa chạm đất hoặc đã chạm đất nhưng lại nảy lên). Trường hợp không bắt được con thì người cản phá cũng cố gắng chạm vào con làm cho con không bay được xa. Trẻ em Việt Nam chơi hầu như không có dụng cụ bảo hiểm nên khi cản phá dễ bị đau, chấn thương thậm chí đến mức nguy hiểm.